Người ta đi mua sắm vì rất nhiều lý do. Họ mua sắm để tự cảm thấy tốt hơn, để trở thành một người khác với con người thật của họ và thoát khỏi cảm giác bị ép buộc phải làm gì đó. Họ đi mua sắm để giảm căng thẳng, bởi vì họ vui và bởi vì họ buồn. Một số người đi mua sắm và tiêu tiền chỉ đơn giản là do thói quen.
Lý do tôi thấy phổ biến nhất là mọi người đi mua sắm để trốn thoát khỏi cuộc sống thực tại. Họ không muốn đối mặt với cuộc sống thực tại của mình và mua sắm mang lại cho họ sự an ủi tạm thời từ những mối quan hệ tồi tệ của họ, những vấn đề về lòng tự trọng, và thậm chí là sự túng thiếu tiền bạc của họ.
Một anh chàng nói với tôi rằng, anh ta đi mua sắm bởi nó khiến anh ta cảm thấy tốt hơn về sự thật là anh ta đang gặp rắc rối về tiền bạc. Nhưng anh ta không hiểu rằng, những vấn đề tiền bạc đó nảy sinh bởi anh ta đi mua sắm quá nhiều!
Cũng có những người nghiện mua sắm thực sự. Trong chương trình Big Spender, tôi đã gặp rất nhiều người như vậy – những người ngày nào cũng đi mua sắm. Không vì điều gì cả. Họ cảm thấy cuộc sống không có ý nghĩa trừ phi họ tiêu tiền.
Thậm chí họ còn đặt ra định mức mười lăm phút phải rút tiền ra tiêu một lần. Miễn là tiền ra khỏi tay họ và vào tay một ai đó, và rồi họ nghĩ rằng họ đang hào phóng và sung túc.
Người nghiện mua sắm cũng giống như người nghiện cocaine vậy. Và cách chữa trị cũng tương tự. Bạn phải đối mặt với lời nói thẳng khó nghe này của tôi.
Một lần, một anh chàng cảnh sát tham gia chương trình truyền hình của tôi. Anh chàng này không nghiện thứ chất kích thích nào cả nhưng anh ta lại thích đi mua sắm. Anh ta nói với tôi rằng anh ta nghĩ phương pháp cai nghiện từ từ sẽ có tác dụng hơn.
Tôi hỏi phản ứng của anh ta sẽ như thế nào nếu một người nghiện thực sự nói với anh ấy điều tương tự. “Tôi sẽ giảm liều dùng dần dần cho đến khi tôi không dùng chút nào nữa.” Anh ta cho rằng điều đó thật nhảm nhí. Anh không thể tự mình cai mua sắm dần dần được. Anh chỉ có thể dừng ngay việc đi mua sắm thôi.
Tôi không phải là một chuyên gia về cai nghiện. Nếu bạn thực sự là người nghiện mua sắm, thì bạn cần sự giúp đỡ của chuyên gia. Tìm kiếm trên Internet hay gọi vài cú điện thoại và tìm một ai đó bạn có thể giãi bày về thói nghiện ngập của mình.
Tuy nhiên, đừng quá vội vã nghĩ rằng bạn đã mắc nghiện chỉ bởi vì bạn thích đi mua sắm. Một vài người chỉ không có nguyên tắc cá nhân và không kiềm chế nổi bản thân đi mua sắm như một lý do cho hành động của họ. Dưới đây là một vài điều tôi nghĩ sẽ giúp ích cho bạn cho dù mức độ mua sắm của bạn là bao nhiêu đi chăng nữa.
Hãy ở xa các cửa hàng
Nếu bạn là một người nghiện rượu thì sẽ không phải là ý kiến hay khi bạn bỏ thời gian ở quán bar phải không? Và nếu bạn là một người ăn quá nhiều thì bạn nên tránh xa tất cả các cửa hàng bán đồ ăn mà bạn có thể ăn, đúng không?
Vì thế, nếu bạn có vấn đề về mua sắm thì hãy ở xa các trung tâm mua sắm và những nơi bạn có thể bị cám dỗ tiêu tiền! Các cửa hàng không phải là nơi duy nhất bạn phải tránh né. Hãy tránh xa cả những kênh mua sắm qua truyền hình và bán hàng qua mạng cũng như các website bán hàng trên Internet.
Tôi đã khuyên một người phụ nữ mắc chứng nghiện mua sắm rằng, tôi thậm chí không muốn cô ấy đi vào trạm xăng để trả tiền bởi vì cô ấy không thể chỉ trả tiền mà không mua một tạp chí, một chai Coke hay một thanh kẹo. Các quầy bán bất kỳ các loại hàng hóa nào cũng có thể cám dỗ cô ấy. Thêm vào việc tìm một vài lời tư vấn, tôi gợi ý bạn nên làm chủ bản thân, loại bỏ mọi sự cám dỗ ngay lập tức.